Xuất bản thông tin

null Đóng góp thầm lặng của những “chiến binh áo trắng” ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc

Nội dung:

Đóng góp thầm lặng của những “chiến binh áo trắng” ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc

Kể từ khi xuất hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên vào ngày 24/6, bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã phải thực hiện cách ly y tế sau đó chuyển trạng thái thành bệnh viện điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng trung bình và nặng. Cũng từ ngày đó đến nay, hàng trăm y bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa Sa Đéc bước vào cuộc chiến chống dịch Covid, gác lại chuyện gia đình, các “chiến binh áo trắng” phải khoác trên mình bộ độ bảo hộ nóng nực để ngày đêm túc trực bên bệnh nhân mắc Covid, bảo vệ sức khỏe và giành lại sự sống cho họ.

Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc có tổng số 565 cán bộ viên chức, trong đó, có gần 400 người trực tiếp tham gia vào công tác chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, số còn lại đảm nhiệm công tác hậu cần bên ngoài. Dịch bệnh Covid-19 ập đến như một cơn bão không được dự báo trước khiến mọi hoạt động tại bệnh viện trở nên xáo trộn. Ở ngay trong tâm dịch, các chiến sĩ áo trắng đã giữ vững ý chí, dùng hết sức mình để cứu chữa cho các bệnh nhân. Có người gia cảnh khó khăn nhưng với nhiệm vụ thiêng liêng của người bác sĩ, họ đã gát lại tất cả chuyện riêng để lao vào trận chiến với nhiệm vụ cứu người. Đơn cử như bác sĩ Trần Thị Bích Trâm, nhà có 2 con, bé nhỏ nhất chỉ mới 2 tuổi, khi dịch bệnh bùng phát chị đã giao nhiệm vụ chăm sóc 2 con lại cho chồng rồi lao vào trận chiến chống dịch dẫu biết rằng cuộc chiến này có lắm gian nguy khi phải đối mặt với dịch bệnh. Bác sĩ Trâm tâm sự: “Khi đã chọn con đường này thì mình đã chấp nhận nguy cơ bị lây nhiễm bệnh. Cho nên ngay khi đã chọn công việc này thì mình cũng đã sẵn sàng đối mặt với những vấn đề đó rồi. Khi đã dấng thân vào rồi thì dường như không còn thời gian để lo sợ đâu chỉ biết cố gắng hết mình thôi. Quan trọng là mình phải học cách bảo vệ bản thân mình để mà mình có sức khỏe mình tiếp tục chiến đấu”. Nói là không có thời gian để sợ nhưng nỗi nhớ con thơ luôn hiện hữu trong chị, những lúc ra ca hình ảnh chồng và con thơ lại ùa về và khi ấy chị chỉ biết nhìn chồng và con qua cuộc gọi điện thoại. “Những lời động viên của chồng, của gia đình kêu mình hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe con ở nhà đã có ba mẹ, chồng con lo rồi. Hãy yên tâm làm nhiệm vụ chính là những lời động viên rất lớn tiếp thêm tinh thần để mình có thể an tâm hơn khi xa con nhỏ”, chị Trâm bộc bạch.

ảnh: Trong bộ đồ bảo hộ nóng nực, các y bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc hàng ngày tất bật với công việc cứu chữa và chăm sóc cho các bệnh nhân Covid-19

Trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện Đa khoa Sa Đéc không có nhiệm vụ nào là nhẹ nhàng hơn nhiệm vụ nào. Nếu như các y bác sĩ là những người từng giây, từng phút chiến đấu giành lại sự sống cho các bệnh nhân thì các điều dưỡng chính là những người thường xuyên túc trực, chăm sóc cho bệnh nhân bởi các bệnh nhân Covid-19 được gọi là những bệnh nhân cô đơn. Họ nhập viện chỉ một mình, không có người thân bên cạnh và các điều dưỡng sẽ thay thế người thân bệnh nhân làm tất cả mọi công việc.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Vân- đang làm công việc điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc kể: “Trong một ca trực hàng ngày thì sáng vô mình mặc đồ bảo hộ vào phòng bệnh và sẽ đi đến từng phòng bệnh chăm sóc bệnh nhân, đem thức ăn đến cho bệnh nhân ăn, lấy dấu hiệu sinh tồn để các bác sĩ thăm khám bệnh nhân, thực hiện các y lệnh thuốc của bác sĩ, các cận lâm sàng, vệ sinh cho bệnh nhân, tập cho bệnh nhân nằm sấp, nằm nghiêng để cho dễ thở hơn tại vì tập thở cũng rất quan trọng vì những cơn khó thở giảm thì bệnh nhân sẽ đỡ hơn . Sau đó sẽ lấy nước cho bệnh nhân uống tại vì bệnh này nó rất là mất nước nên bệnh nhân cần bổ sung nhiều nước.Việc tiếp theo cần làm là vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bệnh nhân, đổ các chất dịch thải cho bệnh nhân. Đối với các bệnh thở máy, bệnh nhân nặng hơn mình phải làm toàn diện hơn, tắm rửa cho bệnh nhân, xoay trở, hút đàm, cho uống thuốc, làm siêu âm hay các thủ thuật phụ giúp các bác sĩ ,rồi động viên, an ủi các bệnh nhân tại vì bệnh nhân ở trong đây tinh thần người ta rất là lo, người ta lo lắng về bệnh của mình mà  chứng kiến những ca không qua khỏi họ càng lo láng hơn nên điều đưỡng tụi tôi phải  trò chuyện, động viên, khuyến khích  họ rất nhiều. Nói chung là  mình là người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiều ngày riết rồi giống như là người thân của bệnh nhân vậy đó. Mình chăm sóc bệnh nhân đó mình thấy bệnh nhân ăn uống được, khỏe hơn và khi nghe tin bệnh nhân được xuất viện thì mình rất là mừng giống như người thân của mình được xuất viện vậy đó”.

ảnh: Vất vả và gian nguy nhưng niềm vui của các y, bác sĩ chính là được thấy các bệnh nhân được chữa khỏi bệnh và xuất viện

Được biết, không chỉ một mình tham gia vào cuộc chiến chống dịch, gửi lại con thơ cho ông bà nội chăm sóc, chị Vân đã cùng với chồng là anh Lê Văn Hữu Lộc- Kỹ thuật viên vật lý trị liệu phục hồi chức năng cũng đang điều trị cho bệnh nhân covid ở bệnh viện Sa Đéc, hơn 2 tháng qua, 2 vợ chồng anh chị luôn có mặt ở bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân. Niềm vui với vợ chồng anh chị là được chứng kiến các bệnh nhân của mình được ra viện nhưng phía sau niềm vui ấy là những nỗi lo luôn thường trực bởi số lượng bệnh nhân đông, áp lực công việc vô cùng lớn. Những khi nhớ con vợ chồng anh chị chỉ biết nhìn con qua điện thoại rồi cố giấu nước mắt để người nhà an lòng đỡ phần lo lắng, chị Vân chia sẻ: “Lúc vô ca là đâu có thời gian mà cầm điện thoại, mình quay quần với công việc. Khi được nghỉ ngơi chợt nhớ đến con thơ mà không cầm được nước mắt nhưng tự dặn lòng là phải cố gắng vượt qua, cố gắng bảo vệ sức khỏe để cùng với đồng nghiệp chiến đấu, để sớm đẩy lùi dịch bệnh để về với gia đình, với  con”.

Tính từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Bệnh viện đa khoa Sa Đéc đã tiếp nhận và điều trị cho 607 ca mắc Covid-19. Trong quá trình điều trị, tiếp xúc với bệnh nhân đã có 31 y bác sĩ của bệnh viện và  02 là học viên đang thực tập ở bệnh viện đã bị nhiễm Covid-19. Đến nay,  tất cả 31 y bác sĩ của bệnh viện đã được điều trị khỏi và tự nguyện quay trở lại làm việc. Thấu hiểu được sự vất vả và hy sinh to lớn của các đồng nghiệp, của các y bác sĩ đang làm nhiệm vụ, những ngày qua, Ban Giám đốc bệnh viện đa khoa Sa Đéc cũng không ngừng động viên thăm hỏi, chia sẻ khó khăn, chăm lo mọi mặt để các lực lượng tuyến đầu ở bệnh viện yên tâm làm nhiệm vụ. Bác sĩ CK2. Lê Trọng Tuấn- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc thông tin thêm: “Trong thời gian qua được sự quan tâm của Ban chỉ đạo, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sở y tế cung ứng tương đối đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, bảo hộ để đảm bảo an toàn các y bác sĩ  trong quá trình tham gia điều trị. Ban giám đốc bệnh viện cũng đã nổ lực mọi mặt trận để củng cố tinh thần, chăm lo đời sống cho cán bộ viên chức an tâm trong công việc. Chúng tôi cũng đã áp dụng tất cả những vấn đề chung của phòng chống dịch, khích lệ các anh em,  tặng thưởng nóng đối với anh em nào có  tinh thần tích cực để khích lệ tinh thần. Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, sức khỏe cho cán bộ công nhân viên chức ở bệnh viện, cung ứng phục vụ các bữa ăn đầy đủ chất đồng thời bố trí nơi nghỉ ngơi, chỗ ở tại  bệnh viện, tạo điều kiện hết sức thuận lợi do đó các anh em trong  thời gian qua thì cũng hết sức an tâm với công tác”.

Trong cuộc chiến gian khổ, vất vả này, các y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc đã được tiếp ứng về nhân lực từ sự chi viện của các chuyên gia của Bộ Y tế đặc biệt là sự có mặt hỗ trợ của Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cùng với các đoàn y bác sĩ của các bệnh viện: Lão Khoa Trung ương, Trung ương Huế, Bắc Giang, Bệnh viện E, Bắc Ninh, Cần Thơ...và những tấm lòng đang hướng về tuyến đầu để động viên, tiếp thêm năng lượng cho các y bác sĩ với những bếp ăn thiện nguyện hàng ngày cung cấp suất ăn dinh dưỡng cho các bác sĩ hay những phần quà nghĩa tình, những trang thiết bị được tiếp tế từ những tấm lòng vàng. Hy vọng rằng, với ý chí, nghị lực và y đức của mình cùng với hậu phương vững chắc từ gia đình và xã hội, các y bác sĩ sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh.

Theo Trang thông tin điện tử thành phố Sa Đéc