Xuất bản thông tin

null Quân - dân chung sức phòng, chống dịch

Nội dung:

Quân - dân chung sức phòng, chống dịch

ĐTO - Từ ngày Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến Quốc lộ 30, thuộc địa bàn ấp 2, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh đi vào hoạt động, ngày ba buổi sáng, trưa, chiều, ông Nguyễn Văn Thum đều lo chuyện cơm nước cho lực lượng làm nhiệm vụ. Chia sẻ về việc này, ông Thum nói: “Mấy ngày đầu sắp đến giờ cơm, thấy anh em trực đến UBND xã nhận mang về. Có hôm phải chờ đợi lâu do lực lượng nấu ăn ở xã ít người, trong khi đó phải lo phục vụ nhiều tổ, chốt. Biết chuyện ăn uống của anh em gặp khó khăn, nên tôi tự nguyện đứng ra đảm nhiệm hơn 2 tháng nay”.


Ông Thum chuẩn bị các phần cơm cho anh em trực chốt

Mỗi sáng, ông Thum dậy sớm nấu mì gói hoặc bánh canh, có bữa hâm nóng lại thức ăn cho anh em dùng bữa sáng. Sau đó, ông đi chăm sóc vườn cây ăn trái đến độ 9 giờ về nhà lo bữa cơm trưa. “Một bữa ăn, tôi nấu trên 20 suất, có cơm, canh, cá kho và đồ xào. Tôi thường thay đổi món để anh em ăn ngon miệng, có sức khỏe tốt giúp bà con mình phòng, chống dịch”, ông Thum nói.

Bà Võ Thị Bé Bảy đang phụ chồng nấu món canh chua, quay sang nói với tôi: “Ổng kĩ lưỡng lắm chú ơi. Như nồi canh này, tôi đã nêm nếm xong rồi, vậy mà chút nữa là ổng nêm lại. Nhiều người rất thích đồ ăn ổng nấu. Như những phần cơm nấu cho lực lượng trực, bữa nào anh em cũng ăn hết trơn”.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hiệp, mỗi suất cơm ông Thum nấu khoảng 15.000 đồng. Kinh phí do chính quyền địa phương cung cấp và một số nhà hảo tâm đóng góp. “Cùng với ông Thum chăm lo lực lượng phòng, chống dịch, có người góp tiền, có người góp gạo, thịt, cá cải thiện bữa ăn. Tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Trường ngụ ấp 2 thường gửi cho bếp ăn gà, vịt, cá. Chính quyền địa phương rất vui và biểu dương tinh thần cộng đồng trách nhiệm của bà con”, ông Sơn nói.

Trong hoạn nạn, khó khăn, giúp tình người thêm gần lại và lan tỏa những hành động đẹp dệt nên “bức tranh yêu thương” nồng ấm. Cảm thông, chia sẻ khó khăn với lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch và bảo vệ tuyến biên giới, những khi ra vườn bắt được con cá, hái mớ rau non, ông Nguyễn Văn Xị ngụ ấp Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng đều mang tặng góp vào bữa ăn cho lực lượng tham gia trực chốt.

Ngày bộ đội về địa phương dựng chốt phòng, chống dịch, ông Xị đến phụ lợp mái nhà, làm đường dẫn nước vào nấu ăn, tắm giặt. Đại úy Đặng Thành Phúc - Chính trị viên phó Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà nói: “Chú ấy là cá nhân điển hình trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Thấy ở địa phương có người lạ mặt hoặc vụ việc buôn lâu, vượt biên trái phép là chú báo ngay với lực lượng chức năng. Thời gian qua, Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà nhận được nhiều nguồn tin liên quan do chú cung cấp”.

Trung úy Nguyễn Đình Quân (bên phải) trên đường cùng đồng đội tuần tra biên giới

Tôi hỏi chú làm vậy có sợ kẻ xấu không? Chú cười khề khà nói: “Ban đầu có lo thật nhưng sau này thì không. Tôi nghĩ, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì những khó khăn ai gánh vác. Như anh em bộ đội trực bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19 này nè, nhiều tháng xa nhà, đối mặt với gian nan, vất vả. Không có các anh, thì ai lo liệu việc này. Trong tôi, hình ảnh người chiến sĩ bao giờ cũng đẹp. Thời chiến tranh, hay ở thời bình, các anh đều hi sinh vì dân, vì nước”.

Trên tuyến biên giới Đồng Tháp, hơn 1 năm qua, lực lượng Công an, Quân sự và Bộ đội Biên phòng phối hợp thành lập nhiều chốt gác ngày đêm kiểm soát quản lý, bảo vệ biên giới và ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan vào nội địa. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, làm cho nhiệm vụ của anh em ngày càng nặng nề hơn.

Tôi gặp lại Trung úy Nguyễn Đình Quân, Đội trưởng Tham mưu - Hành chính, Đồn biên phòng Thông Bình trông anh ốm và đen hơn nhiều so với ngày mới về đơn vị nhận nhiệm vụ. Trong bộ quân phục ướt đẫm mồ hôi và lắm lem bùn đất, anh nói mình vừa tuần tra trở về. Đình Quân mời tôi ngồi uống nước, rồi đi mang chiếc quạt lại gần mở hết công sức nhưng không xua nổi không khí nóng bức nơi vùng biên giới. Trời lặng thinh tiếng gió, nắng vàng dội xuống làm mái tôn giãn nở kêu răng rắc. Uống hết một ly nước mát, Đình Quân chia sẻ với tôi: “Nghĩ đến tình hình dịch bệnh tràn lan, mà tôi lo lắng cho mẹ và người vợ nơi quê nhà Quảng Trị. Tội nghiệp vợ tôi lắm, vợ chồng sống chung mới được 5 ngày là tôi đi xa biền biệt đến giờ!”.

Năm 2018, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, Nguyễn Đình Quân nhận nhiệm vụ về công tác tại Đồn biên phòng Thông Bình. Đình Quân và Thu Thảo, giáo viên Trường Mầm non Đông Lễ, TP Đông Hà, Quảng Trị yêu nhau 6 năm, được cha mẹ hai nhà định ngày cưới hỏi nhưng do công tác xa, dịch bệnh bùng phát, nên đám cưới mấy lần gác lại.

Đầu năm 2021, dịch bệnh có chiều hướng ổn định, Đình Quân xin phép đơn vị về quê nhà cưới vợ. Vì yêu cầu nhiệm vụ, sau lễ cưới 5 ngày, Đình Quân chia tay người vợ trẻ lên đường trở lại đơn vị. Quân cho biết nhiệm vụ chính của mình là xây dựng báo cáo, kế hoạch công tác cho người chỉ huy đơn vị. Thời gian gần đây, anh được cấp trên giao thêm nhiệm vụ tuần tra, tuyên truyền, vận động Nhân dân phòng, chống dịch, phòng, chống buôn lậu, vượt biên trái phép qua biên giới.

Trung tá Nguyễn Thành Phước - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Bình nhận xét: “Công việc nào cấp trên giao, đồng chí Quân đều phấn đấu hoàn thành. Năm 2018 về Đồn công tác, đến năm 2019 và 2020 đồng chí được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. So với anh em trong đơn vị, nhà của Quân xa nhất. Con trai công tác xa, nơi quê nhà mẹ chồng và nàng dâu nương tựa vào nhau sinh sống. Quân hiếu thảo lắm, chi tiêu tiết kiệm, tháng nào cũng gửi tiền về giúp đỡ gia đình. Những lần hay tin mẹ bệnh, Quân lo lắng thức suốt cả đêm”.

Đình Quân cho biết, tối nào anh cũng gọi điện thoại về thăm nhà. Những hôm muốn gọi Zalo nhìn mẹ và vợ nhưng không dám vì sợ họ lo lắng khi thấy mình đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch nơi biên giới. Đình Quân trải lòng: “Tôi mong dịch bệnh sớm qua, trở về thăm quê nhà Quảng Trị. Khi ấy, tôi sẽ kể cho người thân nghe câu chuyện về những hi sinh của người chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch, để mọi người thêm yêu quý hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ”.

                                                                                         Theo Báo Đồng Tháp