Xuất bản thông tin

null Nhiều công nhân lao động tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”

Nội dung:

Nhiều công nhân lao động tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”

- Thời gian qua, xuất hiện nhiều công nhân lao động tiêu biểu trong phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” do Liên đoàn Lao động tỉnh phát động. Đoàn viên, người lao động tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác và sản xuất, kinh doanh.

Anh Huỳnh Văn Tâm

* Anh Huỳnh Văn Tâm - nhân viên Phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO

Anh Tâm nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp, sáng kiến, cải tiến mang lại hiệu quả cho công ty. Điển hình là cải tiến đặt lại vị trí cảm biến cho máy bó hộp E019487JP. Cải tiến này làm giảm công lao động sản xuất 1 lô sản phẩm. Chẳng hạn, sản xuất 1 lô sản phẩm Tinidazol 500mg fiml giảm được 10 giờ lao động; máy hoạt động tốt không mất thời gian khắc phục; tiết kiệm được bó hộp. Đồng thời, anh Tâm cải tiến máy hàn miệng túi để chạy được cho tất cả các sản phẩm và tăng năng suất thiết bị ít nhất 10%. Thiết bị đáp ứng được cho tất cả các sản phẩm, túi hàn đẹp, ngay ngắn, đáp ứng tốt cho quá trình sản xuất; tăng năng suất từ 980 - 1.225 túi/giờ. Anh Tâm còn nghiên cứu, cải tiến phục hồi các thiết bị lọc cho máy in phun nhà máy Nonbetalactam nhằm giảm chi phí thay thế lọc in phun được 12,6 triệu đồng/năm/3 máy; thiết kế bộ bắt toa mới cho máy xếp toa CKC F344 để rút ngắn thời gian thực hiện và tăng năng suất ít nhất 30% sản lượng cho các loại toa có khổ giấy A3, bộ phận ra toa ngay ngắn, thẳng hàng giúp người vận hành dễ dàng bắt được toa, tăng năng suất từ 1.550 tờ/giờ lên 2.850 tờ/giờ.

Anh Bạch Anh Khoa (bìa phải)

* Anh Bạch Anh Khoa - nhân viên kỹ thuật Chi nhánh cấp nước Nam sông Tiền, Công ty Cổ phần Cấp nước và Môi trường đô thị Đồng Tháp

Anh Khoa phụ trách bảo trì, sửa chữa, khắc phục các sự cố về điện các trạm cấp nước thuộc quản lý của Chi nhánh. Anh có một số sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng thành công tại Chi nhánh cấp nước Nam sông Tiền như: Cải tạo, sửa chữa lại các van điện tại cụm xử lý đã bị hư hỏng và hiệu chỉnh lại chương trình PLC của Nhà máy nước Khu Công nghiệp C Sa Đéc; máy khuất trộn clo bột; máy hút bùn bể lắng... đem lại hiệu quả cao trong công tác vận hành sản xuất nước, tiết kiệm chi phí cho đơn vị và được áp dụng tại các chi nhánh cấp nước khác trong công ty.

Trong thời gian làm việc tại Trạm cấp nước Mương Điều (huyện Lấp Vò), anh Khoa nhận thấy sau khi lắp đặt thêm bơm cấp 2 (công suất 22kW được điều khiển bằng biến tần) thì bơm cấp 2 còn lại (công suất 15kW được điều khiển trực tiếp bằng khởi động từ qua mạch khởi động sao - tam giác) hầu như không được sử dụng và việc chạy bơm này theo áp lực rất khó khăn vì phải điều chỉnh van đầu bơm liên tục bằng tay. Từ thực tế đó, anh Khoa đã thực hiện sáng kiến “Tận dụng biến tần để điều khiển 2 bơm không cùng thông số”. Động cơ được điều khiển qua biến tần sẽ làm tăng tuổi thọ, tiết kiệm điện, cũng như tăng tính ổn định hơn khi sử dụng trực tiếp qua khởi động từ. Tiết kiệm được chi phí vì không cần mua thêm 1 biến tần mới, giúp công nhân vận hành dễ dàng hơn.

Anh Lê Tấn Thiện

* Anh Lê Tấn Thiện - Trưởng ban cơ khí, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần thực phẩm QVD Đồng Tháp

Với sự cần cù, chịu khó trong công việc và tích cực nghiên cứu, cải tiến nhằm tăng năng suất lao động, anh Thiện đã thiết kế thành công cầu cảng lên cá bằng vật liệu thép mạ kẽm sử dụng vĩnh viễn. Cầu cảng lên cá phục vụ 2 nhà máy, giúp tăng năng suất lên cá sống 100 tấn/ngày (thay cho hệ thống lên cá cũ là 75 tấn/ngày). Cầu cảng lên cá làm bằng thép mạ kẽm nên tăng tuổi thọ của công trình. Tổng giá thành đầu tư 300 triệu đồng (giảm 50% chi phí so với đặt hàng của nhà sản xuất, tiết kiệm 150 triệu đồng). Cầu cảng lên cá hoạt động bán tự động, giúp tiết kiệm chi phí nhân công lao động cho công ty 32,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, anh Thiện thiết kế hệ thống băng tải thu gom vụn xương cá phụ phẩm. Hệ thống băng tải dài 285m thu gom vụn xương cá phụ phẩm từ bồn chứa đến trạm cân và chuyển lên xe tải; quản lý được số lượng phụ phẩm hàng ngày; mỗi ngày, giảm được 5 công nhân xúc phụ phẩm lên xe tải, 2 xe nâng và dầu diesel. Hệ thống băng tải do anh Thiện thiết kế đã giúp công ty tiết kiệm hàng trăm triệu đồng chi phí mua băng tải của nhà sản xuất; mỗi tháng tiết kiệm cho công ty chí phí vận hành trên 17 triệu đồng.

                                                                                        Theo Báo Đồng Tháp