资产发布器

null Nỗ lực “Gắn sao OCOP” giò chả truyền thống

Trang chủ BTDKT_TINTUC

Nỗ lực “Gắn sao OCOP” giò chả truyền thống

Giò chả là sản phẩm tiêu dùng khá quen thuộc của người dân. Thế nhưng nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh giò chả tẩm ướp hóa chất, không rõ nguồn gốc được phát hiện đã gây tâm lý lo lắng cho người dùng.

Để góp phần bảo vệ sức khỏe người dùng, chủ cơ sở chả lụa Ngân Hà tại phường An Thạnh, TP. Hồng Ngự đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm theo đuổi mục tiêu “gắn sao OCOP” lên sản phẩm truyền thống của gia đình, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Theo chị Thảo, chủ cơ sở chả lụa Ngân Hà chia sẻ, bản thân có tình cảm đặc biệt với nghề làm giò chả, cùng với việc nhận thấy người tiêu dùng phải đối mặt với thực phẩm bẩn nên chị quyết tâm làm giò chả sạch và tham gia chương trình OCOP. Đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội cho sản phẩm gia truyền. Sau thời gian nỗ lực, cộng với sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, cơ sở đã hoàn thiện công thức chế biến tối ưu. Qua đó, giữ được hương vị truyền thống và dần chiếm được tình cảm người dùng.

Chị NGUYỄN THỊ THU THẢO - Chủ cơ sở chả lụa Ngân Hà – khóm 2, phường An Thạnh, Thành phố Hồng Ngự nói: “ Cơ sở cho ra những sản phẩm an toàn, không sử dụng loại hóa chất nào hết như chất bảo quản hoặc tạo da, giòn. Sản phẩm sạch 100%. Từ thịt tươi, mở, gia vị hoà quyện vào nhau, khách hàng dùng thử mình giải thích cho họ nghe vì sao như vậy: Sản phẩm của em là sản phẩm sạch, làm hoàn toàn từ thịt tươi nên chỉ có độ dai vừa phải, mình giải thích thì các chị cũng ăn và cảm nhận được, chấp nhận mua sản phẩm”.

Qua chặn đường gần 4 năm, vừa sản xuất, kinh doanh vừa cải tiến mẫu mã, kỹ thuật, đến nay cơ sở đã có 2/7 sản phẩm giò, chả đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Các sản phẩm này đều được sản xuất bằng máy móc hiện đại, nguyên liệu, lao động địa phương nhưng thị trường thì đã vươn đến nhiều nơi như: Cần Thơ, Tây Ninh, Bình Dương,....Trung bình mỗi tháng, cơ sở tiêu thụ khoảng 200 – 300kg giò chả.

Chị NGUYỄN THỊ THU THẢO - Chủ cơ sở chả lụa Ngân Hà – khóm 2, phường An Thạnh, Thành phố Hồng Ngự cho biết thêm: “Được công nhận sản phẩm OCOP là mình phải có đầy đủ giấy tờ như là vệ sinh thực phẩm, giấy phép kinh doanh, phiếu kiểm nghiệm, vệ sinh môi trường, nguyên liệu là khoảng 95% là ở địa phương. Trước khi đăng ký sản phẩm OCOP thì chỉ bán nhỏ lẻ tại cơ sở thôi, sau khi đăng ký và được chứng nhận OCOP rồi thì có cơ hội giao lưu học hỏi, tham gia các hội chợ ở trong hay là ngoài tỉnh, các hội chợ tổ chức các sản phảm OCOP diễn ra là đều có đi kết nối”.

Một bước tiến mới nữa là hiện nay cơ sở đã đẩy mạnh kênh bán hàng online. Nếu như trước đây, cơ sở chỉ phân phối trực tiếp thì hiện nay, hơn 70% sản phẩm bán qua Zalo, Facebook, các trang thương mại điện tử,...Với những kết quả đạt được, sắp tới đây, cơ sở đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng khả năng phục vụ khách hàng.

Ông DƯƠNG PHÚ XUÂN - Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hồng Ngự phát biểu: “Sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao thì có nhiều điều kiện qui định bắt buộc phải có trong đó, chẳng hạn như môi trường, tiêu chuẩn về chất lượng, thị trường đầu ra các thứ thì cơ sở đảm bảo. Điểm của cơ sở này cũng khá cao, gần với 4 sao. Nếu cơ sở này có thêm chứng nhận ISO, HACCP thì có thể đạt 4 sao.  Định hướng tới, phòng sẽ hỗ trợ cho cơ sở nâng từ 3 sao lên 4 sao, hỗ trợ cơ sở mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng một số sản phẩm mới mà cơ sở dự kiến tham gia đánh giá”.

Chương trình OCOP có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Điều này tương đồng với triết lý sản xuất, kinh doanh của cơ sở Ngân Hà – tức chủ thể của sản phẩm OCOP luôn hướng đến nhu cầu người dùng để phát triển kinh tế. Ở đó, việc nỗ lực để được xếp hạng sao OCOP lên sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương cũng đồng nghĩa là gắn thương hiệu tốt vào lòng người dùng và là sản phẩm tin cậy, an toàn.

Theo Trang thông tin thành phố Hồng Ngự